Tiền ảo thành công cụ mới của tội phạm ở Việt Nam

108

Tiền ảo, tiền điện tử được cho là đang trở thành công cụ để đánh bạc, rửa tiền, phạm pháp, trong khi cơ quan chức năng khó phát hiện.

Hành vi phạm tội liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo được đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp nêu tại Hội nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số tại Việt Nam ngày 21/12.

Theo bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp), thời gian qua, những tiến bộ khoa học công nghệ đã bị lợi dụng thành phương tiện, cách thức phạm tội mới, có tính chất xuyên quốc gia như ma tuý, rửa tiền, đánh bạc, mua bán người.

“Sự phát triển kinh tế số là mảnh đất màu mỡ phát sinh loại tội phạm mới liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo”, bà Vân Anh nói, đồng thời cho rằng chúng làm cho tội phạm trở nên nghiêm trọng hơn, với những thủ đoạn tinh vi, gây ra hậu quả ở quy mô lớn và khó bị phát hiện.

Một người đang sử dụng một sàn giao dịch tiền điện tử. Ảnh: Lưu Quý

Một người đang sử dụng một sàn giao dịch tiền điện tử. Ảnh: Lưu Quý

Ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết việc rửa tiền thông qua tiền ảo trở thành một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Dẫn quy định của pháp luật Việt Nam, ông Phong khẳng định tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người Việt móc nối với các đối tượng nước ngoài, sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi lừa tiền của người bị hại, kẻ xấu có thể chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch như Houbi, Binance rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. “Tiền ảo có thể là kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua hoạt động bất hợp pháp thành tiền ‘sạch'”, ông Phong nhận định.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động cá độ, đánh bạc online, thanh toán tiền ảo, tiền số như Bitcoin gia tăng thời gian qua. Những phương thức chung là chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản, tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản Internet Banking tần suất lớn trong ngày với nội dung là một đoạn mã, ký tự, dãy số, nickname.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của các loại hình phạm tội mới trong nền kinh tế số, theo ông Phong và bà Vân Anh, quy định của pháp luật đã xuất hiện một số bất cập, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo có thể là các hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, nhưng quy định của Bộ luật Hình sự chưa bao quát được các trường hợp này.

Bà Vân Anh cho rằng, để kịp thời xử lý các hành vi này trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cần nghiên cứu, rà soát quy định của hệ thống pháp luật để xây dựng, hình thành hành lang pháp lý trong việc quản lý các đối tượng liên quan. “Cần nghiên cứu hình sự hoá các hành vi phạm tội liên quan đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, như lừa đảo, trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bà Vân Anh nói.

Lưu Quý