Bitcoin có thể ‘không tồn tại lâu nữa’

144

Không ai đoán được tương lai của Bitcoin, nhưng một học giả Mỹ cảnh báo loại tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới có thể sớm biến mất.

“Bản thân Bitcoin có thể không tồn tại lâu nữa”, Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại quốc tế ở Đại học Cornell (Mỹ), nhận xét.

Giá trị Bitcoin biến động rất mạnh trong những năm qua. Mỗi đồng hiện có giá gần 46.000 USD, với mức vốn hoá thị trường khoảng 890 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất của Bitcoin trong gần hai tháng qua, nhưng vẫn cao hơn 150% so với đầu năm. Đồng coin này có lúc tụt xuống 29.800 USD nửa cuối tháng 7, nhưng sau đó hồi phục và lập kỷ lục 68.000 USD vào tháng 11.

Đồng tiền mô phỏng Bitcoin. Ảnh: Reuters.

Đồng tiền mô phỏng Bitcoin. Ảnh: Reuters

Blockchain là công nghệ nền tảng cho gần như mọi loại tiền điện tử. Nó giống cuốn sổ cái kỹ thuật số, lưu giữ đầy đủ dữ liệu về các giao dịch và được phân tán trên mạng lưới máy tính toàn cầu. Còn theo giáo sư Prasad, “Bitcoin không sử dụng blockchain một cách hiệu quả. Nó ứng dụng cơ cấu xác thực giao dịch mang tính phá hoại môi trường và không thể mở rộng dễ dàng”.

Ông nhận định, trước kia chỉ có một vài loại tiền điện tử, nhưng trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại, trong đó nhiều đồng mang lại nhiều ích lợi và thân thiện với môi trường hơn Bitcoin. Ông cũng tin công nghệ blockchain sẽ biến đổi về cơ bản giống như hệ thống tài chính hiện nay.

“Bitcoin không phải công cụ giao dịch hiệu quả. Tôi không nghĩ nó có giá trị gì đặc biệt ngoài niềm tin của nhà đầu tư”, học giả Mỹ giải thích lý do ông nghĩ Bitcoin sớm biến mất. Chưa kể, tiền mã hóa đang thúc đẩy giới ngân hàng xem xét triển khai phiên bản điện tử của các loại tiền tệ đang lưu hành.

“Dù không thích Bitcoin, phải thừa nhận nó đã khởi động một cuộc cách mạng, mang đến lợi ích cho mọi người theo cách trực tiếp và gián tiếp”, Prasad nói.

Giữa tháng 12, đại diện Ngân hàng Trung ương Anh cũng dự đoán Bitcoin và các loại tiền điện tử “sẽ vô giá trị” và người đầu tư nên chuẩn bị tinh thần sẽ mất tất cả.

Trước đó, theo dữ liệu từ BTC.com, tính từ 9/1/2009 đến 13/12/2021, có 18,89 triệu trong tổng số 21 triệu Bitcoin đã được khai thác, tương đương 90% nguồn cung. Theo tính toán, với tỷ lệ hashrate ngày một tăng, phải đến năm 2140, cộng đồng mới khai thác hết 10% còn lại.

Tuy nhiên, con số 90% được cho là sẽ tác động không nhỏ đến thị trường. Khi các tổ chức và nhà đầu tư nhận ra độ khan hiếm của Bitcoin, họ có thể sẽ đổ xô đầu tư, tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) có thể bị nâng lên cấp độ hoàn toàn mới. Cú sốc về nguồn cung sẽ tăng mạnh và tạo ra nhiều ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa và tiền tệ truyền thống.

“119 năm là khoảng thời gian dài và không ai chắc chắn đến lúc đó tiền điện tử nói chung và Bitcoin nói riêng có còn tồn tại. Máy tính lượng tử và siêu máy tính mà các quốc gia đang theo đuổi cũng có thể đe doạ đến tính an toàn và bảo mật của mạng lưới Bitcoin”, BTC nhận định.

Điệp Anh (theo CNBC)