Năm nay, Covid-19 tiếp tục chi phối các nền kinh tế, nhưng đặt ra những thách thức mới, từ lạm phát đến gián đoạn chuỗi cung ứng.
Sau năm 2020 nhiều mất mát, thế giới bước vào năm 2021 với kỳ vọng lớn, rằng vaccine Covid-19 sẽ được phổ biến và các nền kinh tế sẽ bật dậy mạnh mẽ trong đại dịch. Tuy nhiên, sự thật lại là thế giới ngày càng đứt gãy, bất ổn và mong manh.
Các biến chủng lần lượt xuất hiện, từ Delta đến Omicron, đã làm đảo lộn tất cả. Và dù 2021 chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng, nhờ các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ, những thách thức cần giải quyết vẫn còn rất nhiều.
Lạm phát dâng khắp thế giới
Từ giữa năm nay, giá cả tăng cao đã khiến giới chức đau đầu. Giá hàng loạt sản phẩm đua nhau lập kỷ lục, từ gỗ xẻ, quặng sắt, đồng, đến ngô, đậu tương, lúa mì và dầu thô.
Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh lên cao nhất 10 năm. CPI của eurozone chạm 4,9%, lên đỉnh 24 năm. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ là 6,8% – cao nhất kể từ năm 1982. Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) và CPI cũng liên tục tăng tốc trong vài tháng qua.
Có nhiều nguyên nhân gây ra việc này. Đó là nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái. Trong khi đó, nguồn cung lại bị gián đoạn, dẫn đến thiếu hụt. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế học, nguyên nhân sâu xa là chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước khác, nhằm hồi sinh nền kinh tế hoàn toàn sau đại dịch.
IMF, Deutsche Bank và nhiều tổ chức khác đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do lạm phát. Tình hình này cũng đẩy các ngân hàng trung ương vào thế khó. Nếu rút kích thích quá nhanh để kiểm soát giá cả, họ sẽ phải hy sinh việc làm và các hoạt động kinh tế mà khó khăn lắm mới tăng trưởng lại.
Chuỗi cung ứng tắc nghẽn
Hồi tháng 3, tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez (Ai Cập) gần một tuần. Hơn 360 tàu mắc kẹt cùng số hàng hóa trị giá 3-9,6 tỷ USD. Nhiều tàu khác phải đi đường vòng, kéo dài thời gian và đẩy cao chi phí vận chuyển. Sự cố này chỉ là một ví dụ cho thấy sự căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch.
Năm nay, hầu như không có nơi nào trên thế giới thoát được cảnh gián đoạn cung ứng. Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu cho vấn đề này. Vì tàu biển, tàu hỏa, xe tải hay máy bay đều phụ thuộc vào sức khỏe con người để vận hành nhịp nhàng. Bên cạnh đó, thiếu container và nhu cầu hàng hóa tăng vọt trong đại dịch càng khiến tình hình trầm trọng.
Tại Anh, nguồn cung nhiên liệu cạn kiệt vì không đủ tài xế chở hàng sau Brexit. Các hãng điện tử và ôtô thì thiếu chip nhớ – sản phẩm sản xuất chủ yếu tại Đài Loan và Hàn Quốc. Các công ty từ Anh, Đức đến Ai Cập, Peru phải vật lộn với thiếu nguyên liệu thô và cảnh báo tình trạng giá cao kéo dài.
Giới quan sát cho rằng chuỗi cung ứng khó có thể được gỡ nút sớm. Các chuyên gia logistics từ Los Angeles đến Rotterdam gần đây cảnh báo việc tắc nghẽn sẽ khó dịu bớt cho đến năm 2023. Với nhiều công ty, tình hình này khiến họ phải nghiêm túc đánh giá lại chuỗi cung ứng. Trong ngắn hạn, họ sẽ phải xây thêm kho chứa hàng, khiến họ tốn thêm chi phí và gánh thêm rủi ro trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt.
Chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn ngày càng khác biệt
Mức độ phục hồi kinh tế toàn cầu trong đại dịch không đồng đều, khiến giới chức cũng phải đưa ra các chính sách khác nhau.
Lạm phát tăng vọt khiến nhiều ngân hàng trung ương phải thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ đã áp dụng từ đầu đại dịch. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/12 cho biết sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu và sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022. Chỉ một ngày sau, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ đầu đại dịch.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì giữ nguyên lãi suất, nhưng giảm quy mô mua lại trái phiếu từ quý sau. Brazil và Nga cũng đã nhiều lần nâng lãi trong năm nay.
Trong khi đó, Trung Quốc còn không nghĩ đến việc thắt chặt và đang quay trở lại chính sách nới lỏng khi nền kinh tế chậm lại và các hãng bất động sản vỡ nợ. Trong tháng này, họ thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm và hạ lãi suất lần đầu tiên trong 20 tháng. Ngân hàng trung ương Nhật Bản thì khẳng định còn quá sớm để nghĩ đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Quả bom nợ Evergrande đe dọa kinh tế Trung Quốc
Xây dựng đã giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục theo hình chữ V sau đại dịch. Tuy nhiên, để tránh phụ thuộc vào bất động sản và ngăn đầu cơ, Bắc Kinh năm nay bắt đầu siết tín dụng cho lĩnh vực này.
Chính sách này khiến nhiều hãng địa ốc lao đao trong nửa cuối năm. Thiệt hại nặng nhất là Evergrande Group. Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành khiến Evergrande gánh khối nợ khoảng 300 tỷ USD. Khi bị siết tín dụng, hãng đã nhiều lần suýt lỡ hẹn thanh toán lãi trái phiếu.
Đến ngày 9/12, 3 ngày sau khi hãng này lỡ hẹn trả lãi 2 lô trái phiếu, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ bậc Evergrande từ “C” xuống “RD” (Restricted Default – vỡ nợ giới hạn). Cổ phiếu của hãng cũng đã mất 80% giá trị trong năm nay.
Giới chức Trung Quốc dĩ nhiên khó có thể vui mừng với một vụ vỡ nợ khổng lồ có thể đe dọa sự ổn định kinh tế và xã hội nước này. Họ đã nới lỏng một số quy định cho vay mua nhà, đồng thời thúc giục ông chủ Evergrande Hui Ka Yan bỏ tiền túi trả nợ. Giới chức Trung Quốc cũng trấn an thị trường rằng họ có thể kiểm soát các nguy cơ với thị trường này.
Tài sản số ngày càng phổ biến
2021 là năm nhiều dấu ấn với tài sản kỹ thuật số. Giá Bitcoin năm nay liên tiếp lập đỉnh, gần nhất là phiên 10/11 với 68.789 USD, theo Coinmarketcap. Tiền số phổ biến nhất thế giới cũng lần đầu tiên được một quốc gia công nhận, cho phép sử dụng trong mọi giao dịch. Các loại tiền số lớn khác, như ethereum, hay các memecoin, như Dogecoin và Shiba Inu, vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu cơ.
Ngoài Bitcoin, NFT (non-fungible token) và Metaverse (vũ trụ ảo) cũng bùng nổ trên thế giới. NFT trở thành trào lưu từ tháng 3, khi ca sĩ Grimes bán bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá gần 6 triệu USD. Bắt đầu từ các tác phẩm nghệ thuật, NFT sau đó lan rộng sang metaverse. Những mảnh đất ảo trong metaverse thậm chí còn đắt hơn ngoài đời thực, với giá lên đến hàng triệu USD.
Cơn sốt tài sản số khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Họ cho rằng tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau (FOMO) của nhà đầu tư đã đẩy giá tài sản số lên cao. Nhiều người mua chỉ để đầu cơ chứ không thật sự muốn sở hữu. CNBC cũng cho rằng thị trường NFT đang phát triển quá nhanh và bong bóng này có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới
Nhờ giá cổ phiếu Tesla và định giá SpaceX tăng vọt, CEO Tesla Elon Musk năm nay chính thức soán ngôi giàu nhất thế giới của Jeff Bezos. Musk hiện sở hữu 236 tỷ USD, hơn Bezos khoảng 42 tỷ USD. Tháng trước, ông cũng trở thành người đầu tiên cán mốc tài sản 300 tỷ USD.
Elon Musk thậm chí được dự báo trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu khối tài sản 1.000 tỷ USD nhờ tiềm năng của SpaceX. Tính đến nay, tỷ phú này là người có tài sản tăng mạnh nhất hành tinh, với gần 100 tỷ USD năm nay.
Musk còn ghi dấu ấn năm 2021 bằng một loạt phát ngôn gây bão mạng xã hội. Ông khẩu chiến với ông chủ sàn giao dịch tiền số Binance, chế nhạo Jeff Bezos, tranh luận về việc nộp thuế và thường xuyên đề cập đến các loại tiền số. Tầm ảnh hưởng của Musk trong nhiều lĩnh vực đã giúp ông được tạp chí Time và Financial Times bình chọn là “Nhân vật của Năm”.
Hà Thu
Bài viết liên quan: